Cuộc chơi nhiều lợi ích
Ảo hóa được xem như là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính và xa hơn nữa là tiến đến điện toán đám mây. Không dừng ở việc hâm nóng thị trường, các doanh nghiệp phần cứng và phần mềm còn liên kết với nhau tạo ra "hệ sinh thái" mới nhằm đẩy mạnh việc đầu tư vào ảo hóa.
Đánh giá về thị trường ảo hóa tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho rằng đã đến thời điểm chín muồi. Theo đó, năm 2013 này sẽ là năm thương thảo, chạy thử giải pháp và dự kiến đến cuối năm sẽ có nhiều doanh nghiệp ứng dụng điện toán đám mây vào quá trình kinh doanh.
Doanh nghiệp lạc quan
Theo ông Huỳnh Phúc Yêm Quán, Tổng giám đốc VMware Việt Nam, hiện nay nhu cầu về ảo hóa trong nước khá đa dạng, được chia theo ba cấp độ nối tiếp nhau. Đầu tiên là các doanh nghiệp muốn ảo hóa hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại. Thứ đến là các doanh nghiệp đã thực hiện bước một và hướng đến việc quản lý các nguồn tài nguyên một cách có hiệu quả hơn. Cuối cùng là các doanh nghiệp đang xây dựng các ứng dụng nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Không tiết lộ con số khách hàng, ông Quán cho biết hiện VMware đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp thuộc ba cấp độ kể trên, phần lớn hoạt động trong ngành tài chính, dầu khí, viễn thông.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ thông tin của Cisco Việt Nam, cho biết chỉ trong ba năm gia nhập thị trường máy chủ phiến, Cisco UCS Blade đã đứng thứ ba thế giới và thứ hai ở thị trường Bắc Mỹ vào năm 2012 về số lượng tiêu thụ. Xu hướng ảo hóa và điện toán đám mây là nhân tố chính dẫn đến thành công này. Do đó, ông Sơn cho biết trong thời gian tới Cisco sẽ tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ phục vụ việc ảo hóa, điện toán đám mây. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện Ciso đang kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT để phát triển các gói dịch vụ theo mô hình điện toán đám mây với chi phí hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc EMC2 Việt Nam, nếu trước đây việc ảo hóa được triển khai như là giải pháp nhằm giảm số lượng máy chủ vật lý và tối ưu hóa trung tâm dữ liệu, thì nay các giải pháp ảo hóa được triển khai đã bao trùm lên toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin, kể cả hệ thống mạng.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang phải tính tới hàng loạt các vấn đề liên quan, đặc biệt là giải pháp lưu trữ, sao lưu, an ninh… Đây cũng là những giải pháp mà EMC2 đã triển khai cho nhiều khách hàng tại Việt Nam. Ông Toàn cho biết trong thời gian tới công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh và đội ngũ kỹ thuật, bao gồm cả tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng ở TPHCM và Hà Nội.
Bên cạnh đó, trong vài năm trở lại, nhiều doanh nghiệp phần cứng và phần mềm đã liên kết với nhau nhằm cung cấp giải pháp ảo hóa cho khách hàng. Như trường hợp VMware, EMC2, Cisco hay gần đây nhất là liên minh Citrix, NetApp, Cisco..., trong đó VMware, Citrix cung cấp các giải pháp ảo hóa; NetApp, EMC2 lo phần lưu trữ và Cisco đảm nhiệm phần hạ tầng.
Ông Nguyễn Nhật Quang, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của NetApp Việt Nam, cho rằng việc hợp tác nói trên sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian lựa chọn, bảo đảm việc hỗ trợ của các nhà phân phối khi có sự cố xảy ra.
Mọi người cùng có lợi
Đâu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cung cấp phần cứng, phần mềm ảo hóa lại bắt tay nhau và lạc quan đến như vậy? Theo tìm hiểu của TBVTSG, có ba lý do chính.
Thứ nhất, không phải các giám đốc công nghệ thông tin không biết đến lợi ích của ảo hóa, nhưng vào thời điểm hai năm trước, khái niệm này còn mới, tỷ lệ rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp còn e dè. Nhưng nay, theo ông Phan Thanh Sơn, các doanh nghiệp trong nước đang chuyển từ giai đoạn tìm hiểu, thử nghiệm công nghệ ảo hóa sang triển khai thực tế và ứng dụng khá thành công, có thể kể đến như Ngân hàng Đông Á, VNG, Vinamilk, siêu thị Big C…
Theo xu hướng đó, các doanh nghiệp khác đã an tâm và tham gia để không mất lợi thế cạnh tranh. Trào lưu này từng xảy ra từ thời đầu tư giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (Enterpirse Resource Planning), ngay khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai áp dụng, hàng loạt doanh nghiệp khác đã mạnh dạn đầu tư theo.
Thứ hai, theo một chuyên gia tư vấn công nghệ thông tin không muốn nêu tên, xu hướng ảo hóa không chỉ là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cung cấp phần mềm, theo đó cứ một đồng đầu tư vào ảo hóa, sẽ kéo theo ít nhất năm đồng đầu tư cho phần cứng, hạ tầng, từ đó hình thành một hệ sinh thái gồm doanh nghiệp phần cứng và phần mềm cùng đẩy thị trường này đi lên.
Cuối cùng mới là nguyên nhân tiết kiệm chi phí, đơn cử là bài toán tối ưu hóa thiết bị đầu cuối. Theo thống kê gần đây của IDC, hằng năm Việt Nam tốn khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ để mua máy tính, và trong suốt vòng đời của một máy tính (khoảng năm năm), cứ một đồng mua máy tính thì phải tốn thêm 1,5 đồng để duy trì sự hoạt động (không kể chi phí cho phần mềm). Cùng lúc đó là nhu cầu có thêm các ứng dụng, dung lượng lưu trữ mới, khả năng tính toán mới… trong khi kinh phí đầu tư cho công nghệ là không đổi. Thậm chí, theo giám đốc công nghệ thông tin một vài ngân hàng lớn, kinh phí còn có xu hướng giảm.
Do đó, việc ảo hóa và xa hơn nữa là điện toán đám mây là giải pháp khả thi nhất cho các nhà lãnh đạo công nghệ thông tin, nhất là trong lúc phải "thắt lưng buộc bụng" như hiện nay. Ông Quán ước tính, ở Việt Nam cứ 10 đồng đầu tư cho công nghệ thì hết bảy đồng chi cho khâu vận hành, bảo trì…, ba đồng còn lại dành cho việc mua sắm thiết bị mới, phần mềm mới. "Đầu tư cho ảo hóa có thể làm việc mua sắm thiết bị mới chiếm 3,5 đồng nhưng lại giảm chi phí hoạt động xuống còn bốn đồng, tiết kiệm được 2,5 đồng", ông Quán nói.
Ngoài ra theo ông Quán, thời gian hoàn vốn đầu tư (Return On Investment) cho ảo hóa ước tính một đến dưới ba năm. Chi phí đầu tư ảo hóa cũng khá linh hoạt, dao động tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trên thực tế, vẫn còn một trở ngại, theo các nhà cung cấp chính là nhân lực vận hành hệ thống ảo hóa tại thị trường Việt Nam vẫn còn thiếu. Và điều này đang là cơ hội kinh doanh cho các trung tâm đào tạo tin học.
Ông Trần Văn Huệ, Giám đốc Trung tâm đào tạo Nhất Nghệ, cho biết số lượng học viên ngành ảo hóa hiện nay chưa nhiều nhưng có xu hướng tăng gần gấp đôi kể từ năm 2011. Còn theo ông Tạ Ngọc Thuần, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo Robusta, không những ngày càng có nhiều học viên mà doanh thu từ việc đào tạo ngành ảo hóa đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn so với các mảng đào tạo còn lại của trung tâm này.
Các tin khác
- Robusta khai giảng hai khóa học về an ninh thông tin tại TP.HCM và Hải Phòng
- Chinh phục Oracle Database 19c – Hành trang để dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu
- Nâng cao cơ hội nghề nghiệp với chứng chỉ ITIL 4 Foundation
- Chinh phục đỉnh cao an ninh mạng cùng Khóa học "Certified Information Systems Security Professional (CISSP)" tại Robusta
- Robusta khai giảng khóa học "Thiết kế, quản trị trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ (CDCDP)"