Chiến lược và kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT trong doanh nghiệp - TOGAF 9.2

I.       Bối cảnh và sự cần thiết của chương trình:

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, sức ép cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi các tổ chức và doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải trang bị cho mình nhiều hơn nữa các giá trị tri thức trong hoạt động quản trị, sản xuất và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, mặc dù các giá trị này đa phần được tích lũy và làm giàu thông qua việc vận hành các hệ thống quản trị và điều hành dựa trên nền tảng CNTT nhưng việc đầu tư ứng dụng CNTT trong hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp hoặc vẫn chưa được xem trọng đúng mức hoặc vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này chính là họ thiếu công cụ để hoạch định và quản trị kiến trúc và chiến lược phát triển của mình.

Từ thách thức trên, tổ chức và doanh nghiệp cần nắm bắt và thống nhất về nguyên tắc tổ chức, thực thi và đánh giá hiệu quả vận hành các mục tiêu chiến lược của mình. Đồng thời, họ cần được trang bị nhận thức đúng đắn và nhân rộng tầm quan trọng của đầu tư CNTT trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng sức cạnh tranh. Từ đó, họ có thể xây dựng môi trường đồng thuận cao trong ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức. Nhằm đạt được các mục tiêu trên, tổ chức và doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hành xây dựng và áp dụng kiến trúc tổng thể, kiến trúc CNTT trong hoạt động của mình.

II.    Giới thiệu về EA, TOGAF:

Kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture, viết tắt là EA) chính là kim chỉ nam cho việc tổ chức, thực thi và đánh giá hiệu quả vận hành các mục tiêu chiến lược của tổ chức, doanh nghiệp. Kiến trúc tổng thể được xây dựng nhằm quy định mối tương tác về tích hợp và chuẩn hóa giữa hoạt động nghiệp vụ và hạ tầng CNTT của một tổ chức, doanh nghiệp. Và vì thế, nó sẽ hoạch định mô hình tổ chức và vận hành sao cho doanh nghiệp, tổ chức đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả nhất. Một cách tổng quát, kiến trúc tổng thể là sự kết hợp của kiến trúc CNTT và kiến trúc nghiệp vụ. Trong chương trình đào tạo này với phạm vi xem xét nhiều hơn về yếu tố kỹ thuật, các nội dung liên quan mật thiết đến kiến trúc tổng thể và kiến trúc CNTT sẽ được đề cập nhiều hơn là kiến trúc nghiệp vụ.

Tuy nhiên, việc xây dựng kiến trúc tổng thể từ đầu đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, để có thể triển khai kiến trúc một cách nhanh chóng và hiệu quả, chúng ta có thể dựa trên các khung xây dựng kiến trúc được khuyến nghị và phổ biến tùy theo lĩnh vực hoạt động của mình. Khung xây dựng Kiến trúc tổng thể (The Open Group Architecture Framework, viết tắt là TOGAF) là sản phẩm của Open Group, tổ chức lớn nhất thế giới hiện nay trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo về kiến trúc tổng thể, kiến trúc và giải pháp hệ thống CNTT. Tổ chức này quy tụ gần 10.000 thành viên (trong đó có hơn 9.000 thành viên có chứng chỉ các loại do Open Group cấp) là các kiến trúc sư, kỹ sư CNTT từ hơn 30 nước và 350 công ty chuyên về hệ thống, sản phẩm và dịch vụ CNTT trên thế giới. TOGAF đã được kiểm chứng là có độ phổ dụng cao, dễ dàng triển khai và có khả năng tùy biến, thích hợp với nhiều loại hình và quy mô của tổ chức và doanh nghiệp.

Chính vì vậy, nội dung đào tạo đã được xây dựng chủ yếu dựa trên chương trình đào tạo TOGAF Version 9.2 của Open Group. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên và nhu cầu thực tế của học viên, khóa học sẽ trang bị thêm kiến thức về các khung xây dựng kiến trúc khác đang hiện hành cũng như các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong đầu tư và quản lý dự án CNTT nhằm giúp cho người học vận dụng tốt nhất những nội dung được truyền tải trong chương trình này vào công việc của mình

III. Đối tượng đào tạo:

1.      Đối tượng tham dự đào tạo

  • CxO (CEO, CIO, CTO, CFO…);
  • Quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận phụ trách về CNTT;
  • Quản lý, trưởng nhóm, trưởng bộ phận về tổ chức, nghiệp vụ;
  • Kỹ sư, kỹ thuật viên về CNTT.

2.      Kiến thức và kỹ năng cần có hoặc nên có khi tham dự đào tạo

  • Kiến thức: Xây dựng và quản trị chiến lược, tổ chức, quy trình và nghiệp vụ, tổng quan về kinh tế - tài chính, tổng quan về CNTT và quản lý dự án CNTT;
  • Kỹ năng: Phân tích, tổng hợp, trình bày (viết, nói).

3.      Kiến thức và kỹ năng đạt được sau khi tham dự đào tạo

  • Kiến thức: Xây dựng và quản trị kiến trúc tổng thể, kiến trúc CNTT, đầu tư và quản lý dự án CNTT, đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT, giải pháp và sản phẩm CNTT, phát triển giá trị tri thức trong tổ chức, doanh nghiệp;
  • Kỹ năng: Tăng cường các kỹ năng phân tích, tổng hợp, trình bày (viết, nói), tương tác, xây dựng và bảo vệ chiến lược, xây dựng phương án, quản lý tài liệu kiến trúc.
IV. Thời lượng: 32 giờ
V.    Tài liệu tham khảo:
  • Tài liệu TOGAF Version 9.2 (bản đầy đủ);
  • Các tài liệu hỗ trợ triển khai TOGAF;
  • Tài liệu Hướng dẫn học nhanh TOGAF Version 9;
  • Tài liệu Hướng dẫn luyện thi Chứng chỉ TOGAF Version 9;
  • Các bài trình bày theo nội dung chương trình;
  • Các bài tập thực hành trong quá trình đào tạo;
  • Các nội dung ôn tập, nội dung kiểm tra.
VI. Nội dung khóa học:

1.      Chủ đề 1: Giới thiệu về EA và TOGAF

  • Phần tổng quan về EA sẽ giới thiệu về điều kiện và quá trình hình thành, phát triển và ứng dụng EA trong các tổ chức, doanh nghiệp và chính phủ; và sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu, nhóm chuyên gia, chính phủ, cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT (sản xuất, triển khai, tư vấn, đào tạo) trong quá trình phát triển của EA. Kế đến, phần tổng quan về TOGAF sẽ giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Open Group (tổ chức phát triển TOGAF) và TOGAF (khung EA có mức độ phổ dụng cao nhất hiện nay).
  • Ngoài ra, phần giới thiệu cũng sẽ đề cập qua các khung xây dựng kiến trúc phổ biến khác, cũng như nêu những đặc điểm nổi bật của từng khung kiến trúc đối với việc ứng dụng trong thực tế; từ đó, cho học viên một cái nhìn tổng quan về công việc liên quan đến EA.
  • Nội dung cuối trong phần này là giới thiệu về các thuật ngữ, khái niệm và định nghĩa liên quan đến EA và TOGAF, giúp cho người học lĩnh hội tốt hơn các nội dung chuyên môn tiếp theo.

2.      Chủ đề 2: Phương pháp Phát triển kiến trúc

  • Phương pháp Phát triển kiến trúc là nội dung chủ yếu của TOGAF. Phương pháp này mô tả quá trình phát triển kiến trúc qua 10 giai đoạn được sắp xếp theo một chu trình. Từng giai đoạn trong chu trình này sẽ được mô tả chi tiết với các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra, cũng như các hoạt động chính theo thứ tự triển khai. Bên cạnh đó, các kết quả thành phần và các tài liệu kiến trúc theo giai đoạn sẽ được đề cập để người học hình dung dễ dàng hơn phương pháp này.
  • Các giai đoạn trong Phương pháp Phát triển kiến trúc, bao gồm:
    • Trù bị
    • Xây dựng Tầm nhìn kiến trúc
    • Xây dựng Kiến trúc nghiệp vụ
    • Xây dựng Kiến trúc các hệ thống thông tin (bao gồm dữ liệu và ứng dụng)
    • Xây dựng Kiến trúc công nghệ
    • Xác định Cơ hội và giải pháp
    • Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi hệ thống
    • Quản trị Quá trình thực hiện theo kiến trúc
    • Quản lý Thay đổi kiến trúc
    • Quản lý Yêu cầu của tổ chức

3.      Chủ đề 3: Các kỹ thuật và hướng dẫn thực hiện theo Phương pháp Phát triển kiến trúc

  • Nhằm bổ trợ cho việc thực hiện theo Phương pháp Phát triển kiến trúc, TOGAF cung cấp cho học viên những kỹ thuật và hướng dẫn cần thiết, bao gồm: Quản lý các yêu cầu về tích hợp hệ thống, chuyển đổi mô hình nghiệp vụ, đánh giá rủi ro, xây dựng năng lực, quản lý các bên liên quan, mô hình hóa nghiệp vụ, chuyển đổi hệ thống, xây dựng nguyên tắc và kiểu kiến trúc, phân tích khoảng cách… Hơn thế nữa, TOGAF còn đưa ra những hướng dẫn về các tùy biến trong triển khai kiến trúc theo các lớp, lĩnh vực và chu trình khác nhau. Những kỹ thuật này giúp cho việc áp dụng TOGAF trong thực tiễn vừa tăng tính khả thi vừa tăng tính khả dụng.

4.      Chủ đề 4: Khung nội dung Tài liệu kiến trúc

  • Quá trình xây dựng và quản lý kiến trúc là quá trình phức tạp với rất nhiều tài liệu và kết quả cần đạt được. Vì thế, để hỗ trợ tốt cho quá trình triển khai, TOGAF cung cấp một khung nội dung Tài liệu kiến trúc, giúp cho học viên có cái nhìn tổng quát về kết quả thực hiện và chủ động trong xây dựng phương án, lựa chọn công cụ để quản lý kết quả xuyên suốt quá trình phát triển và quản lý kiến trúc của tổ chức, doanh nghiệp. Chi tiết hơn, trong phần này, TOGAF cũng cung cấp thêm cho học viên về góc nhìn kiến trúc và khối giải pháp kiến trúc để kết nối các lớp và lĩnh vực kiến trúc khác nhau.

5.      Chủ đề 5: Các công cụ và Kho dữ liệu kiến trúc và giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp

  • Việc xây dựng và quản lý kiến trúc liên quan mật thiết đến thông tin và tri thức của tổ chức, doanh nghiệp. Vì thế, quản lý tốt kho dữ liệu kiến trúc và giải pháp sẽ giúp cho tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kiến trúc của mình với chi phí thấp hơn và hiệu năng cao hơn. Trong phần này, TOGAF sẽ mô tả về quá trình tổ chức và khai thác kho dữ liệu này theo phương pháp nhất quán với các cách thức triển khai đã nêu ở trên.

6.      Chủ đề 6: Khung năng lực kiến trúc

  • Quá trình phát triển kiến trúc đối với bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào luôn được đánh giá là một trong các hoạt động phức tạp và đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất. Quá trình này cần một sự chặt chẽ nhất định về tổ chức (hình thành Hội đồng kiến trúc), quy trình (xây dựng Quy trình đảm bảo sự thống nhất và tương thích với kiến trúc), triển khai (thông qua các hợp đồng về kiến trúc và khung Quản lý kiến trúc), đánh giá (sử dụng các mô hình kiến trúc hoàn thiện) và thực thi (xây dựng đội ngũ dựa trên Khung kỹ năng về kiến trúc). Tất cả những nội dung này đều được mô tả trong Khung năng lực kiến trúc của TOGAF.

7.      Chủ đề 7: Các hướng dẫn hỗ trợ triển khai theo TOGAF

  • Hướng dẫn triển khai TOGAF theo hướng kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) và triển khai kiến trúc an toàn thông tin:
    • Bên cạnh phương pháp phát triển kiến trúc mang tính tổng quát, để định hướng triển khai SOA và kiến trúc an toàn thông tin, TOGAF cung cấp những hướng dẫn cụ thể, tiếp nối từ TOGAF 9.1, nhằm giúp cho học viên những nội dung chi tiết và đầy đủ hơn.
  • Hướng dẫn triển khai TOGAF cho lãnh đạo và người triển khai:
    • TOGAF 9.2 cung cấp thêm hướng dẫn cụ thể cho lãnh đạo và người triển khai trong quá trình thực hiện và vận hành kiến trúc tổng thể. Nếu như đối với người lãnh đạo thì đó là quá trình thiết lập và thúc đẩy tổ chức ngày càng có độ trưởng thành cao hơn về kiến trúc tổng thể thì đối với người triển khai đó là những bổ sung về phương thức gắn kiến trúc tổng thể với xây dựng chiến lược, lập ngân sách, quản lý đầu tư và triển khai các dự án. Các quá trình này thể hiện trong chuỗi các kiến trúc chuyển tiếp trong lộ trình triển khai theo kiến trúc.
  • Hướng dẫn hỗ trợ xây dựng kiến trúc nghiệp vụ:
    • Những hướng dẫn cụ thể về xây dựng chuỗi giá trị, xác định năng lực nghiệp vụ và mô hình hóa ngữ cảnh nghiệp vụ là sự bổ sung đáng giá trong TOGAF 9.2, giúp cho bước xây dựng kiến trúc nghiệp vụ mang lại nhiều kiến thức và kỹ năng cụ thể hơn cho cả người làm nghiệp vụ và người làm CNTT.
  • Các mô hình tham chiếu của TOGAF:
    • Khi xây dựng kiến trúc cho mình, tổ chức và doanh nghiệp rất cần những hình mẫu, mô hình tốt để tham khảo và đối sánh. Vì thế, TOGAF cung cấp một số kết quả cơ bản để học viên có thể tham khảo bao gồm: Mô hình tham chiếu kỹ thuật và Mô hình tham chiếu hạ tầng tích hợp thông tin. Những mô hình này dù không quá chi tiết nhưng lại là thông tin nền để việc phát triển kiến trúc đi đúng hướng ngay từ đầu. Ngoài ra, đối với việc xây dựng kiến trúc cho các lĩnh vực, ngành khác nhau, TOGAF giới thiệu các nguồn tham khảo chuyên sâu rất hữu ích mà bất kỳ kiến trúc sư nào cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu và nắm bắt.

8.      Các hoạt động: Thực hành, ôn tập và kiểm tra

  • Các bài tập thực hành (xen kẽ xuyên suốt trong quá trình đào tạo)
  • Các nội dung ôn tập
  • Online

  • At Ho Chi Minh City

  • At Ha Noi